PHONG TỤC CƯỚI HỎI CỦA NGƯỜI MÔNG NHƯ THẾ NÀO?
Trong các phong tục tập quán của người Mông thì việc cưới xin để lại những dấu ấn bản sắc mang tính truyền thống của người Mông nhiều hơn cả. Đám cưới của người Mông thường được tổ chức vào mùa xuân hay cuối đông vì đồng bào kiêng những tháng có sấm chớp. Tuy nhiên ở mỗi vùng khác nhau hôn nhân của người Mông cũng có một vài điểm khác một chút nhưng cũng tuân theo những lễ nghi như dạm hỏi, ăn hỏi (hẹn cưới) và lễ đón dâu.
Hôn nhân của người Mông chủ yếu theo tập quán tự do kén chọn bạn đời. Những người cùng dòng họ không lấy nhau. Vợ chồng người Mông rất ít bỏ nhau, họ sống với nhau hòa thuận, cùng làm ăn, cùng lên nương, xuống chợ và đi hội hè...
Lễ cưới của người Mông - Lào Cai
Lễ cưới của người dân tộc H'Mông ở Sa Pa (Lào Cai) thường được tổ chức vào mùa xuân, khi lộc non tràn đầy nhựa sống, sắc xuân tưng bừng về khắp trên các thửa ruộng bậc thang.
Lễ cưới của người H'Mông cũng bao gồm các lễ nghi như dạm hỏi, ăn hỏi và lễ đón dâu. Đám cưới diễn ra trong hai ngày sau khi được thống nhất từ thầy cúng: Ngày lẻ tổ chức tại nhà gái và ngày chẵn tại nhà trai.
Cưới thường
Là nghi lễ cưới đơn giản nhất, được diễn ra đối với gia đình nghèo. Chàng trai kéo cô gái về nhà, hai người lấy nhau nhưng nghi lễ cưới chỉ trong phạm vi lễ tổ tiên và sinh hoạt ăn uống trong góc độ gia đình.
Cưới trung
Là nghi lễ vừa phải - lễ cưới kiểu này được diễn ra như một lễ cưới to những giai đoạn mối hỏi không có. Vì rằng đầu tiên, chàng trai kéo cô gái về nhà mình nên khi ông mối sang nhà trai liền không được tiếp. Theo quan niệm của người Mông, người con gái bị kéo về đã bị mất giá phần nào cho nên thủ tục ban đầu thiếu, đám cưới không thể coi là đám cưới to được.
Đại cưới
Là nghi lễ cưới mang đầy đủ mọi thủ tục và nghi lễ. Cô gái không bị kéo mà do mối hỏi đến tận nhà đặt vấn đề. Đám cưới này vẫn diễn ra 3 ngày ở nhà gái, 3 ngày ở nhà trai và một ngày chuẩn bị ở nhà trai. Tổng số ngày diễn ra là 7 ngày mới hoàn chỉnh đám cưới. Đám cưới này trước kia chỉ dành cho con nhà giàu, khá giả.
Lễ cưới người Mông ở Mù Cang Chải
Lễ ăn hỏi
Là người am hiểu về những nét văn hóa của dân tộc mình, nghệ nhân dân gian Việt Nam Giàng A Su cho biết: Khi chàng trai thích một cô gái, chàng trai sẽ về thưa chuyện với bố mẹ. Nhà trai sẽ tìm một ông mối (thường là những người có uy tín trong dòng họ) để sang nhà gái làm lễ hỏi. Lễ ăn hỏi thường có rượu, gà, thuốc lá… Khi đi làm lễ hỏi, ông mối cũng không quên mang theo một chiếc ô.
Đến trước cửa nhà gái, ông mối sẽ hát một bài, ý nói rằng Nhà trai giao cho tôi trọng trách đến hỏi con gái của gia đình về làm dâu con trong nhà, đề nghị gia đình mở cửa. Sau khi ông mối thưa chuyện với gia đình cô gái thì dù có đồng ý hay không đồng ý, phía gia đình cô gái cũng phải giữ nhà trai ở lại 2-3 ngày mới cho về.
Lễ đón dâu
Đến ngày đón dâu, cô dâu chú rể sẽ mặc trên người những bộ quần áo mới nhất và đẹp nhất. Gia đình chú rể sẽ nhờ ông mối là đại diện (đoàn đón dâu thường từ 6 - 9 người và bố mẹ chồng không được đi đón con dâu). Trong ngày đón dâu, nhà trai sẽ phải mang đầy đủ lễ vật mà gia đình cô dâu thách cưới.
Gia đình cô dâu sẽ nhận và kiểm tra lại xem lễ vật có đủ như thách cưới không. Sau khi nhận xong lễ vật, nhà gái sẽ làm các thủ tục cúng tổ tiên, nhà trai nộp lễ và xin đón dâu. Mỗi thủ tục đều có các bài hát đối và mời 3 chén rượu.
Lễ cưới
Lễ cưới tại nhà trai được tổ chức trong suốt một ngày một đêm hôm ấy với những lời chúc mừng tốt đẹp dành cho đôi vợ chồng trẻ. Tuy nhiên, theo phong tục cô dâu không được ăn cơm cùng gia đình mà phải vào trong buồng ngồi, chỉ có chú rể ra tiếp khách. Mẹ chồng hoặc em chồng sẽ là người mang cơm vào buồng cho cô dâu. Trong 3 ngày đầu tiên, cô dâu có thể đi làm nương, làm rẫy, kiếm củi song không được đi chơi ở nhà người khác, kể cả quay về nhà bố mẹ đẻ.
Lễ cưới của người Mông – Điện Biên
Người Mông ở Điện Biên luôn giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình hòa nhập với cuộc sống, trong đó có nghi lễ cưới hỏi. Mùa xuân là mùa của những đôi trai gái người Mông về sống chung một nhà.
Lễ hỏi
Ông Vàng A Sùng, người Mông ở xã Thanh Minh, cho biết con gái Mông lấy vợ rất sớm nhưng nay họ đã kết hôn đúng quy định, con gái đủ 18 tuổi, con trai đủ 20 tuổi. Tuy nhiên những tập tục, nghi lễ trong tiệc cưới hỏi vẫn được họ gìn giữ như nghi lễ về nhà chồng, hay việc chọn ngày cưới với người Mông cũng quan trọng. Ông Sùng cho biết: "Chúng tôi chỉ chọn ngày đôi như là mùng 2 hoặc mùng 4, 16… chọn các ngày đôi đó là ngày tốt. Ngày đôi là vì con gái và con trai lấy nhau mình chỉ muốn cho nó tổ, có đôi có cặp nên chọn ngày đôi để cưới. Ngày chẵn là ngày may mắn của dân tộc Mông chúng tôi, từ ngày trước chúng tôi đã làm như thế rồi. Các cụ ngày xưa đã chọn như thế rồi thì bây giờ mình cũng tuân theo thôi".
Lễ đón dâu
Lễ đón dâu không cầu kỳ về hình thức nhưng thể hiện sự hiếu thảo, thành kính đối với tổ tiên. Ông Sùng cho biết: "Nhà bên gái khi con đi lấy chồng rồi thì cũng phải báo với tổ tiên. Mổ lợn đám cưới cho con gái, chúng tôi làm cái lý, báo với tổ tiên là gia đình chuyển đi 1 con gái đi làm con dâu. Chỉ cần 1 đĩa thịt, 1 nắm cơm với chén rượu báo cho tổ tiên mình thôi. Có thịt để tổ chức bữa ăn thôi. Mời hết cả bản, còn ở xã thì mời những bạn bè quen biết, đi lại với nhau".
Lễ cưới
Người Mông mặc trang phục truyền thống trong ngày cưới. Theo anh Vàng A Mua: "Đến nhà vợ thì mẹ vợ chuẩn bị 1 bộ cho con gái và 1 bộ cho con rể để mặc. Quần áo này về đến nhà thì em cởi ra. Khi em đưa vợ về nhà thì gia đình em có 1 bộ cho con dâu mới. 2 bộ quần áo khác nhau về hình dạng. Áo cho con rể thì áo trắng, con dâu áo đen".
Theo phong tục người Mông, khi đưa cô dâu về nhà chồng thì đoàn đón dâu có bữa ăn dọc đường là để báo với các vị thần linh là nhà trai đã đón được con câu và mời các vị thần linh chứng giám, phù hộ cho đôi trẻ hạnh phúc, làm ăn may mắn. Khi đoàn rước dâu về đến nhà trai thì gia đình cũng làm lễ báo với tổ tiên về việc nhà đã có thêm một người con. Để chung vui với gia đình, cả bản đều đến chúc mừng cho đôi trẻ